Lịch sử phát triển[3] Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam

Thời kỳ Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng (1959 - 1974)

Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng, được chính thức thành lập theo Nghị định 444-TTg ngày 14 tháng 12 năm 1959 của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ, triển khai công tác đo đạc và bản đồ cơ bản. Lực lượng đầu tiên khoảng 200 cán bộ chiến sĩ của Phòng Đồ bản - Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam và 1121 thanh niên xung phong tuyến đường 12B.

Thời kỳ Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước (1974 - 1994)

Thực hiện Nghị quyết 415-NQ/QH-K4 của Thường vụ Quốc Hội ngày 29 tháng 1 năm 1974, Hội đồng Chính phủ đã có Nghị định 106-CP ngày 3 tháng 5 năm 1974 về việc chuyển Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng thành Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Đây là một bước ngoặt quan trọng về mặt tổ chức, nâng cao hơn vị trí, vai trò và vị thế của Cục Đo đạc và Bản đồ trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, triển khai công tác đo đạc và bản đồ cơ bản.

Thời kỳ Tổng Cục Địa chính (1994 – 2002)

Ngày 22 tháng 2 năm 1994, Chính phủ có Nghị định số 12/CP về việc thành lập Tổng cục Địa chính trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước và Tổng cục quản lý Ruộng đất, Vụ Đo đạc Bản đồ là cơ quan giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đo đạc – bản đồ, kể cả đo vẽ bản đồ địa chính.

Từ năm 1995 Tổng cục Địa chính đã triển khai đo đạc thành lập bộ bản đồ biên giới Việt - Lào ở tỷ lệ 1/50.000 gồm 63 mảnh; đo đạc xác định toạ độ của 116 trong tổng số 214 mốc biên giới theo sự thỏa thuận phân công giữa hai nước.

Ngày 12 tháng 7 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 83/2000/QĐ-TTg về áp dụng Hệ Quy chiếu và Hệ Hệ Toạ độ Quốc gia VN-2000 và công bố sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Năm 2000, đã hoàn thành bộ bản đồ địa hình biên giới Việt - Trung ở tỷ lệ 1/50.000 gồm 34 mảnh; phục vụ đàm phán và ký kết Hiệp định về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Xây dựng 3 trạm GPS cố định tại Lai Châu, Hà Giang và Cao Bằng phục vụ công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 2001 triển khai công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền với khoảng 1.200 mốc.

Nghị định số 12/2002/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ đã được Chính phủ ban hành ngày 22 tháng 1 năm 2002, đánh dấu một giai đoạn mới trong quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

Thời kỳ Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường (2002 - nay)

Ngày 5/8/2002, Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc Thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngày 11 tháng 11 năm 2002, Chính phủ ra Nghị định số 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có Cục Đo đạc và Bản đồ.

Ngày 25/3/2008, Chính phủ ra Nghị định số 25/2008/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi, Cục Đo đạc và Bản đồ được đổi tên thành Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.

Ngày 4/4/2017, Chính phụ ra Nghị định số 36/2017/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam được đổi tên thành Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.

Liên quan

Cục Điều tra Liên bang Cục Dự trữ Liên bang (Hoa Kỳ) Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Cục An ninh đối ngoại (Việt Nam) Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Cục Tác chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an (Việt Nam) Cục An ninh chính trị nội bộ (Việt Nam) Cục An ninh kinh tế (Việt Nam)